Bánh ít lá gai


xuka ăn vặt Bánh ít lá gai

 Categories: Đặc sản // Tags: .
Bánh ít lá gai từ lâu đã được xếp vào hàng đặc sản của vùng đất Bình Định, nhưng vẫn có nhiều người thắc mắc về nguồn gốc loại bánh này từ câu ca dao: “Muốn ăn bánh ít lá gai, lấy chồng Bình Định cho dài đường đi”. Thắc mắc là phải vì bánh ít lá gai đâu chỉ có riêng ở Bình Định…
Cơ sở bà Dư mỗi ngày sản xuất hơn 2.000 bánh ít lá gai theo đơn đặt hàng của khách trong và ngoài tỉnh

Có nguồn gốc từ Bình Định?
Trên một diễn đàn mạng của những người con quê hương Bình Định, chủ đề “Tại sao ăn bánh ít lá gai… phải lấy chồng Bình Định” đã được trao đổi sôi nổi. Một cô gái ở Hà Nội cho rằng: “Phải sửa như thế này mới đúng: Vì muốn lấy chồng Bình Định nên thích ăn bánh ít lá gai. Vậy mà có người ăn bánh ít lá gai hoài vẫn không lấy được chồng Bình Định”. Một bạn nam khác thì “bình loạn”: “Sao không là “lấy vợ Bình Định cho dài đường đi”? Có lẽ câu ca dao này nhằm “tiếp thị” cho trai Bình Định như câu “Ai về Bình Định cùng anh. Được ăn bí đỏ nấu canh nước dừa”… Đường đến trái tim người phụ nữ gần nhất là qua “dạ dày”, nên chỉ lấy những món ngon gán cho các anh để “mồi” các chị !?.”.
Không thể biết được chính xác hoàn cảnh ra đời của câu ca dao này để phân tích đúng về mặt ý nghĩa. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, xét về mặt nghĩa đen của nội dung ca dao, thì thời điểm ra đời câu ca dao này bánh ít lá gai mới chỉ có ở Bình Định.  Dân gian Bình Định cũng đã lấy hình ảnh bánh ít để đặt tên cho tháp Bánh Ít (niên đại cuối thế kỉ XI đầu thế kỉ XII) ở huyện Tuy Phước, trong khi tài liệu sử cũ thì lại gọi tên là tháp Thị Thiện. Bánh ít đi vào ca dao, trở thành tên chính thức của tháp Chăm là điều không địa phương khác nào có được.
Bánh ít lá gai Bình Định có hương vị và hình dáng độc đáo riêng

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì mặc dù bánh ít có ở nhiều nơi, nhưng bánh ít lá gai thì chỉ có ở vùng Nam Trung Bộ như Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Tuy nhiên, xét về độ ngon, sự nổi tiếng, cách làm bánh đa dạng và phổ biến trong dân chúng thì bánh ít lá gai Bình Định phải đứng đầu. “Việc trồng cây gai rất phổ biến ở các làng quê Bình Định. Người phụ nữ quê trước đây, thường ai cũng biết làm bánh ít lá gai, món bánh bắt buộc phải có và sử dụng rất nhiều trong đám giỗ, hiếu hỷ.  Khách ăn giỗ xong khi ra về đều được chủ nhà tặng vài chiếc bánh ít làm quà. Vợ chồng tôi mỗi lần vào thăm gia đình con trai tại TP HCM đều mua cho mấy trăm cái bánh ít lá gai, đây là món bánh ưa thích của hai cô con dâu người Hà Tĩnh, Huế…”, nhà phong hóa Bình Định Huỳnh Kim Bửu cho biết.
Như vậy, có phải bánh ít lá gai là đặc sản có nguồn gốc từ Bình Định, sau này mới lan rộng ra các địa phương khác ven biển miền Trung? Điều này chưa thể khẳng định chắc chắn, nhưng hoàn toàn có cơ sở bởi văn hóa ẩm thực truyền thống Bình Định rất đặc sắc, từ bề dày lịch sử…
Bánh ít lá gai ngày càng “dài đường đi”
Truyền thống làm bánh ít lá gai vẫn còn được giữ gìn ở nhiều làng quê trong tỉnh. Đi đến địa phương nào cũng dễ dàng tìm thấy những cơ sở làm bánh ít lá gai, nổi tiếng nhất là cơ sở bà Dư ở thôn Trung Tín 1, thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước). Hiện cơ sở bà Dư có khoảng 10 thợ, mỗi ngày trung bình sản xuất hơn 2.000 cái bánh ít lá gai theo đặt hàng. Nhẩm tính thì chỉ riêng cơ sở bà Dư đã sản xuất mỗi tháng gần 70.000 cái bánh ít lá gai, mỗi năm hơn 800.000 cái phục vụ nhu cầu. Đây là con số tiêu thụ bánh ít lá gai ấn tượng trước sự lấn át của rất nhiều loại bánh thơm ngon, mẫu mã bắt mắt ngày hôm nay.
Chị Võ Thị Bích Thủy, con dâu bà Dư, cho biết: “Bánh ít lá gai của chúng tôi làm theo phương thức thủ công truyền thống, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có các khâu xử lý nguyên liệu kỹ nên có thể để lâu. Mỗi ngày, chúng tôi cung cấp ổn định 1.000 cái cho khách hàng ở TP HCM, 500 cái cho sân bay Phù Cát, còn lại phục vụ những khách hàng trong và ngoài tỉnh. Nhiều Việt kiều ở các nước Nhật, Mỹ, Đức… mỗi lần về quê đều tìm đến mua mấy trăm cái mang đi”. Cơ sở bánh ít bà Dư đã được mời tham gia Festival Lúa Gạo Việt Nam 2009 tại tỉnh Hậu Giang, được Đài Truyền hình TP HCM, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện chương trình quảng bá về đặc sản Bình Định.
Website riêng www.banhitlagai.com của Nguyễn Trọng Khoa

Một trong những khách hàng ruột của cơ sở bà Dư là anh Nguyễn Trọng Khoa đã góp phần rất tích cực cho việc quảng bá bánh ít lá gai Bình Định. Khi quyết định từ bỏ công việc Giám đốc Makerting của FPT Online để kinh doanh ẩm thực đặc sản Bình Định tại TP HCM, anh Khoa đã chọn bánh ít lá gai bà Dư là mặt hàng chủ lực. Anh Khoa tâm sự: “Bánh ít lá gai là đặc sản Bình Định mà tôi tâm huyết. Từ cái tên, hình dáng, công sức của những người làm ra những cái bánh ít lá gai quá lớn, nó không phải là một cái bánh đơn thuần như những loại bánh khác mà bao hàm cả ý nghĩa văn hóa sâu sắc…”. Anh Khoa còn đầu tư công sức, kinh phí lập ra trang website riêng www.banhitlagai.com để quảng bá bánh ít lá gai Bình Định, đến nay thu hút được gần 8.000 lượt truy cập. Đặc biệt khi được mời viếng thăm Trụ sở chính Facebook ở Hoa Kỳ, anh đã đem theo 500 cái bánh ít lá gai Bình Định mời mọi người thưởng thức và gây được ấn tượng mạnh cho đặc sản Bình Định.
Hiện tại, nếu đánh cụm từ “bánh ít lá gai” trên công cụ tìm kiếm phổ biến nhất trên Internet là Google thì có được 314.000 kết quả, trong đó phần lớn đều nói về bánh ít lá gai Bình Định. Điều này khẳng định bánh ít lá gai đã trở thành một trong những đặc sản nổi tiếng nhất của Bình Định, là “thương hiệu hàng đầu” trong các địa phương có làm bánh ít lá gai. Vì vậy đông đảo người say mê ẩm thực ở khắp mọi nơi đều thống nhất rằng câu ca dao “Muốn ăn bánh ít lá gai, lấy chồng Bình Định cho dài đường đi” vẫn luôn khẳng định được giá trị riêng….
Theo Báo Bình Định

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét